0 - 50,000 đ        

Kỹ thuật nuôi ngan pháp sinh sản

1. Một số giống ngan ngoại

Hiện nay có ngan R31, R51, R71 & CR50 có nguồn gốc từ cộng hoà Pháp.

Ngan  R31 : được nhập về Việt Nam năm 1992, ngan có màu lông: Dòng ông có màu lông đen trắng, cổ trắng, mỏ và chân xám, dòng bà màu lông trắng có đốm đầu, mỏ và chân vàng nhạt, ngan bố mẹ và thương phẩm màu lông lang trắng đen (hoa mơ), ngan có tuổi đẻ là 26 - 28 tuần tuổi, năng suất trứng từ 160 - 180 quả/mái/năm, ngan thương phẩm đạt 4,8 – 5,1 kg/con đực ở 12 tuần tuổi, 2,6 – 2,75 kg/con mái ở 10 tuần tuổi, tiêu tốn thức ăn 2,8 – 2,9 kg TĂ/kg tăng trọng.

Ngan R51: Ngan ông bà được nhập về Việt Nam năm 2001, ngan có lông màu trắng có đốm đầu (ngan ông bà đốm đầu nâu, ngan bố mẹ và thương phẩm đốm đầu đen và nâu) hoặc trắng tuyền, ngan có tuổi đẻ là 26 - 28 tuần tuổi, năng suất trứng từ 170 - 190 quả/mái/năm. Ngan thương phẩm nuôi 10 tuần tuổi ngan mái đạt : 2,2 – 2,4kg/con, nuôi 12 tuần tuổi ngan đựcđạt : 4,3 – 4,5kg/con. Tiêu tốn thức ăn 2,7 - 2,8 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng.

Ngan R71 : Ngan ông bà được nhập về Việt Nam năm 2001, 2005, 2007, 2012, 2016, 2018 gồm có 3 dòng : Dòng nhẹ cân, dòng trung bình và dòng nặng cân (siêu nặng), ngan có lông màu trắng có đốm đầu (ngan ông bà đốm đầu đen, ngan bố mẹ và thương phẩm đốm đầu đen và nâu) hoặc trắng tuyền, ngan có tuổi đẻ là 26 - 28 tuần tuổi, năng suất trứng từ 170 - 190 quả/mái/năm. Ngan thương phẩm nuôi 10 tuần tuổi ngan mái đạt : 2,3 – 2,5kg/con (dòng nhẹ cân), 2,5 – 2,7kg/con (dòng trung bình), 2,7 – 3,0 kg/con (dòng nặng cân), nuôi 12 tuần tuổi ngan đựcđạt : 4,5 – 4,6kg/con (dòng nhẹ cân), 4,7 – 4,9kg/con (dòng trung bình), 5,5 – 6,0 kg/con (dòng nặng cân) . Tiêu tốn thức ăn 2,7 - 2,8 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng.

Ngan CR50: Ngan ông bà được nhập về Việt Nam năm 2007, 2014 dòng ngan này dùng con trống để lai với vịt chuyên thịt M14, M15 để cho con lai ngan – vịt theo 2 hướng sử dụng nuôi lấy thịt và nuôi lấy gan béo là sản phẩm có giá trị cao.

2. Phương thức chăn nuôi:

2.1. Các phương thức nuôi ngan nhốt trên khô không cần nước bơi lội.

Các phương thức nuôi ngan nhốt trên khô hoàn toàn không cần nước bơi lội, chỉ cần nước uống. Cho đến nay phương thức nuôi ngan nhốt trên khô rất phù hợp vì nó đảm bảo chủ động cho việc kiểm soát dịch bệnh, hạn chế việc lây truyền dich bệnh, an toàn vệ sinh môi trường.

+ Phương thức nuôi ngan kết hợp với trồng cây

+ Phương thức nuôi ngan nhốt trong chuồng

+ Phương thức nuôi ngan nhốt trong chuồng có sân chơi

2.2. Các phương thức nuôi ngan có nước bơi lội.

Không thả ngan tự do ra ao hồ, cũng không nuôi nhốt ngan trên sông suối sẽ gây ô nhiễm môi trường và không an toàn dich bệnh. Chỉ nên quây nhốt ngan trên ao hoặc thả ngan trong ruộng lúa ở khu vực cố định, không thả chạy đồng tự do.

+ Phương thức nuôi ngan nhốt trên ao.

+Nuôi ngan thả trên đồng ruộng có khoanh vùng có kiểm soát.

3. Chuồng trại và thiết bị.

- Đối với phương thức chăn nuôi cổ truyền trong nông hộ mang tính chất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp cần phải nuôi nhốt lại và làm chuồng nuôi độc lập với nhà ở.

- Đối với chăn nuôi gia trại, trang trại theo hình thức bán công nghiệp và công nghiệp với quy mô vừa và lớn, cần phải xây dựng chuồng trại biệt lập với khu dân cư, cách xa khu đô thị, đường giao thông, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện. Khu chăn nuôi phải có tường rào bao quanh, nên quy hoạch có vành đai an toàn, không nuôi chung giữa các loại gia súc và gia cầm. Xây dựng chuồng trại phải phù hợp cho từng giai đoạn của ngan: chuồng nuôi ngan con, chuồng nuôi ngan hậu bị, chuồng nuôi ngan sinh sản.

- Chuồng trại cho ngan phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, chuồng không bị mưa hắt, nắng không chiếu vào ổ đẻ. Có thể làm bằng lưới, tre, nứa, lá hoặc làm chuồng sàn trên ao hồ, trên bè (phải quây gọn).

- Diện tích chuồng nuôi căn cứ vào mật độ để xác định nhu cầu làm chuồng nuôi cho phù hợp: Nhu cầu mật độ chuồng nuôi như sau:

Giai đoạn (tuần tuổi)

Nuôi không cần nước bơi lội

Nuôi có nước bơi lội

Nhốt trong chuồng

(con/m2)

Chuồng có sân chơi

(con/m2)

Chuồng + Vườn cây

(con/m2)

Chuồng + nhốt trên ao

(con/m2)

Chuồng + nhốt trên ruộng lúa

(con/m2)

0 -1

30 - 35

30 - 35

30 - 35

30 - 35

30 - 35

2 - 4

10 - 15

15 - 20

15 - 20

15 - 20

15 - 20

5 - 8

5 - 6

6 - 8

8 - 10

8 - 10

8 - 10

Hậu bị

3

4 - 5

5 - 6

5 - 6

5 - 6

Sinh sản

3

4

4

4

4

Độn chuồng bằng trấu hoặc phôi bào hoặc rơm rạ băm nhỏ nhưng không bị hôi mốc. Thường xuyên bổ sung thêm độn chuồng làm cho độn chuồng khô, chuồng ngan sinh sản độn chuồng dày 10 - 15cm.Các ô chuồng không nên làm quá rộng, ngăn thành ô tối đa 200 con ngan. Sân chơi bằng phẳng, không đọng nước. Có thể lát gạch hoặc bê tông.Đối với nuôi thả trên vườn cây, nuôi trên ao, nuôi ở ruộng lúa phải có vây để quây ngan cho cố định không nên thả rông.

Nên làm chuồng không gần đường trách những nơi có tác động âm thanh và ánh sáng mạnh và đột ngột.             

- Máng ăn, máng uống: Chuẩn bị đầy đủ máng ăn máng uống cho ngan:

- Các trang thiết bị: Chuẩn bị việc thắp sáng và sưởi ấm cho ngan giai đoạn nhỏ như bóng điện, chụp sưởi những nơi không có điện phải sử dụng đèn dầu hoặc bếp than…

- Nuôi bán thâm canh phải chuẩn bị quây, lưới hoặc cót để quây ngan

- Đến giai đoạn sinh sản phải chuẩn bị ổ đẻ cho ngan, ổ cho ngan đẻ có thể làm bằng gỗ kích thước 35 cm  x 35 cm  x 35 cm, hoặc làm bằng những sảo tre lót rơm rạ hoặc quận tròn bằng rơm.

4. Chọn giống để nuôi.

Khi nuôi phải chọn đúng giống đúng chủng loại để nuôi nếu nuôi con bố mẹ phải mua từ những cơ sở nuôi giữ giống ông bà, nếu nuôi con thương phẩm phải lấy từ những đàn giống bố mẹ. Không nên tận dụng những đàn thương phẩm để nuôi làm đàn bố mẹ sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất.

Trong quá trình chăn nuôi ngan có 3 giai đoạn chọn:

+ Chọn ở 1 ngày tuổi: Chọn ngan phải nhanh nhẹn, bông lông, khỏe mạnh không khô chân, nặng bụng, khèo chân, hở rốn. Nuôi ngan bố mẹ phải chọn đực mái theo tỷ lệ đực mái: 1/3 hoặc 1/4.

            Ngan R71, R51 & CR50 lông màu vàng chanh hoặc vàng chanh có đốm đầu, chân và mỏ vàng nhạt.

Ngan R31 lông màu vàng có phớt đen ở đuôi chân và mỏ xám.

+ Chọn ở 56 ngày tuổi: Đối với các đàn giống ngan bố mẹ kết thúc 56 ngày tuổi chọn để chuyển lên nuôi giai đoạn hậu bị: Căn cứ vào tầm vóc và ngoại hình của từng giống, kết hợp với khối lượng ngan để chọn:

Ngan đạt khối lượng 1,5 - 1,8 kg/con mái, 2,5 - 2,7 kg/con đực

Tỷ lệ ghép đực/mái đối với ngan là 1/4 - 1/5.

+ Chọn ngan lên sinh sản:

Tiến hành chọn trước khi vào đẻ là 2 tuần cũng căn cứ vào ngoại hình của từng giống và khối lượng để chọn:

Ngan Pháp đạt khối lượng 2,5 – 3,0 kg/con mái, 4,5 – 5,5 kg/con đực

Tỷ lệ ghép đực/mái là 1/4 - 1/5. Tỷ lệ chọn giai đoạn này khoảng 90 - 95%.

5. Thức ăn cho ngan:

5.1. Loại thức ăn và chất lượng thức ăn:

- Đối với ngan có thể sử dụng rất nhiều loại nguyên liệu, sản phẩm phụ nông nghiệp cho ngan ăn hoặc sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên nhưng nuôi ngan nên tận dụng các loại thức ăn mà địa phương sẵn có thì giá thành hạ. Những nguyên liệu thức ăn dùng được cho ngan: Gạo, thóc, ngô, đỗ tương, tấm, cám, cá tép, cua, ốc, don, dắt, bã bia bã rượu, khoai rau bèo… nếu thức ăn được nấu chín thì khả năng tiêu hoá và hấp thụ tốt hơn và có hiệu quả kinh tế hơn.

- Khi sử dụng các loại thức ăn phải lưu ý không  được mốc và ôi chua. Khi sử dụng bất kỳ loại thức ăn nào đều phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng/1kg phù hợp cho từng giống ngan và từng giai đoạn ngan.

Tiêu chuẩn thức ăn cho ngan sinh sản:

Giai đoạn tuổi

Protein (%)

Năng lượng (kcal)

1 – 8 tuần tuổi

19 - 20

2800-2900

Giai đoạn nuôi hậu bị.

15 – 15,5

2800-2900

Giai đoạn dựng đẻ và đẻ

17,5 - 18

2650-2700

Giai đoạn nuôi hậu bị : 9 – 24 tuần

5.2. Lượng thức ăn:

- Đối với ngan nuôi giống phải thực hiện chế độ ăn định lượng để khống chế khối lượng cơ thể theo tiêu chuẩn thì khả năng sinh sản về sau năng suất sẽ cao.

Tuần tuổi

Gam/con/ngày

Tuần tuổi

Gam/con/ngày

Đực

Mái

Đực

Mái

5

130

75

10

165

95

6

145

85

11 – 22

170

100

7

150

90

22

180

100

8

155

90

23

190

110

9

160

95

24

220

125

Từ 25 tuần tuổi trở đi ngan ăn theo khẩu phần ngan đẻ (có 2 tuần dựng đẻ).

Trong giai đoạn nuôi ngan con và hậu bị còn phụ thuộc vào khối lượng của chúng nếu khối lượng cao hơn hoặc thấp hơn biểu đồ chuẩn thì phải điều chỉnh lượng thức ăn  tăng hoặc giảm 5 gam/con/ngày.

6. Chăm sóc nuôi dưỡng:

6.1. Giai đoạn nuôi ngan con (từ 1-56 ngày tuổi)

+ Giai đoạn 1: Từ 0 - 3 tuần tuổi.

+ Giai đoạn 2: Từ 4 - 8 tuần tuổi.

* Nhiệt độ chuồng nuôi:

Khi ngan ở trong máy ấp nở với điều kiện nhiệt độ trên 37oC khi chuyển xuống chuồng nuôi để đảm bảo cho ngan con khoẻ mạnh nhiệt độ chuồng nuôi khi ngan 1 - 3 ngày tuổi phải đạt 28 - 32C oC từ ngày tuổi thứ 4 trở đi mỗi ngày giảm 1oC cho tới khi đạt 25 oC.

Mỗi quây ngan con nhốt từ 50 - 100 con là phù hợp. Trung bình cứ 200w cho 75 con ngan và 140 con ngan cần 1 chụp sưởi. Ở những nơi không có điện cần sưởi ấm bằng đèn toạ đăng, nước nóng, bếp trấu, bếp than nhưng phải hạn chế khí CO2

* Ẩm độ không khí:

Ẩm độ thích hợp cho ngan con là 60 - 70 %

* Chế độ chiếu sáng cho ngan:

Từ tuần thứ 1 đến tuần thứ 2 thắp sáng cả ngày đêm cho ngan, sau đó thời gian thắp sáng là 16 - 18 giờ/ngày, ban ngày sử dụng ánh sáng tự nhiên.  Cường độ ánh sáng cho ngan trong giai đoạn này là:

1 - 10 ngày tuổi 3 w/m2.

11 - 28 ngày tuổi 1,5w/m. Trong thời gian này ban ngày sử dụng ánh sáng tự nhiên.

* Thông thoáng:

            Lượng cung cấp không khí phụ thuộc vào độ ẩm và quyết định bởi chất độn chuồng. Lượng không khí trao đổi phải đảm bảo sạch, cho những khí thải của phân được đưa ra ngoài. Trong giai đoạn ngan con 1 - 14 ngày tuổi hạn chế gió thổi mạnh vào chuồng nuôi.

* Cung cấp nước uống:

            Ngan ở tuần tuổi thứ nhất không cho uống nước lạnh dưới 10oC, tuần tuổi thứ 2 và 3 không cho uống nước lạnh dưới 6oC và cũng cần hạn chế ngan uống nước trên 25oC. Nhu cầu nước uống trung bình:

                        1 - 7 ngày tuổi      : 120mml/con/ngày.

                        8 - 14 ngày tuổi    : 250  mml/con/ngày.              .

                      15 - 28 ngày tuổi  : 350 mml/con/ngày.              .

Nước uống giai đoạn sau (5 - 8 tuần) nhu cầu cần 0,4 - 0,6 lít/con/ngày, luôn phải có nước sạch cho ngan uống. Ở giai đoạn này máng ăn vẫn để trong chuồng nuôi còn máng uống bố trí ở sân chơi để tránh bị ướt chuồng. Máng uống nước không để quá xa nơi ngan ăn.

* Chăm sóc và nuôi dưỡng:

- Ngan sau khi nở khô lông cho ăn uống càng sớm càng tốt nếu cho ăn uống muộn thì ngan dễ bị khô chân dẫn đến cứng hàm làm tỷ lệ hao hụt tuần đầu rất cao hoặc ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng và phát triển của ngan.

            - Giai đoạn ngan từ 1 -21 ngày tuổi: Dùng thức ăn hỗn hợp dạng viên hoặc  gạo nấu thành cơm và trộn với thức ăn giàu đạm cho ngan ăn, sau 2 tuần có thể cho ngan ăn thóc luộc, tấm, ngô, gạo lật, thóc luộc, thóc, đỗ tương, khô đỗ tương, cám gạo, bột cá nhạt, bột máu, bột đầu tôm, premik VTM, khoáng, hoặc dùng cơm, tấm, ngô, gạo lật, thóc luộc, thóc sống trộn với thức ăn đạm tươi như: Tôm, tép, cua, ốc, giun đất, don, dắt, rạm, bọ đỏ... và các loại côn trùng khác. ở tất cả các giai đoạn nuôi ngan thì sử dụng thức ăn dưới dạng viên hoặc hạt nếu sử dụng thức ăn dạng bột thì lãng phí nhiều. Đối với ngan nuôi khi cho ăn trên nền hoặc ni lông phải rắc thức ăn đều và rộng để tất cả ngan được ăn cùng một lúc.

* Kiểm tra đàn ngan:

   - Trạng thái đàn ngan cho phép ta đánh giá về sức khoẻ của nó.

- Ngan con phân tán đều khắp chuồng chứng tỏ đàn ngan khoẻ mạnh, thoải mái, nhiệt độ trong chuồng đúng yêu cầu.

- Ngan  con dồn đống là do bị lạnh, nhiệt độ chuồng nuôi thấp.

- Ngan  con nằm há mỏ mà cánh dơ lên là do nhiệt độ chuồng nuôi quá cao, ngan không chơi hoặc nằm ở khu vực nhất định là chắc chắn chuồng nuôi có gió lùa.

- Ngan  bị bết dính là do chuồng ẩm, chế độ nuôi dưỡng kém.

- Kiểm tra sức khoẻ đàn ngan hàng ngày: Những ngan ốm yếu cần loại ngay ra khỏi đàn, khi đàn ngan biếng ăn, biếng uống, phân thay đổi phải báo ngay cho thú y.

6.2. Giai đoạn nuôi ngan hậu bị:

Giai đoạn hậu bị là giai đoạn 9 tuần tuổi đến khi bắt đầu đẻ: 9 – 24 tuần. Trong giai đoạn này ngan phát triển đưới điều kiện khí hậu tự nhiên không đòi hỏi ngặt ngèo nhưng phải lưu ý trong thời gian này khi ngan thay lông rất mẫn cảm với nhiệt độ thấp và mưa. Ngan nuôi thức ăn hạn chế, cả về số lượng và chất lượng, chăm sóc nuôi dưỡng làm sao đạt khối lượng ở mức yêu cầu của giống để đảm bảo có năng suất đẻ trứng cao trong giai đoạn sinh sản.

* Ánh sáng và chế độ chiếu sáng:

Giai đoạn từ 9 tuần đến trước khi ngan đẻ 5 tuần sử dụng ánh sáng tự nhiên. Sau đó tăng dần thời gian chiếu sáng cho ngan như sau:

Trước khi đẻ 4 - 5 tuần đảm bảo thời gian chiếu sáng 12 giờ/ngày.

Sau đó mỗi tuần tăng 1 giờ cho tới khi đạt mức thời gian chiếu sáng 16 - 18 giờ/ngày.

* Cung cấp nước:

            Ngan hậu bị cần nước để uống nếu nuôi nhốt trên khô hoặc nuôi khô trên vườn thì cần phải cung cấp nước uống cho đủ, thường xuyên, sạch sẽ. Nhu cầu nước uống cho ngan mỗi ngày cho mỗi con cần từ 0,5 - 0,6 lít/con.

* Chăm sóc nuôi dưỡng:

Giai đoạn hậu bị nuôi cho ngan ăn hạn chế cả về số lượng và chất lượng thức ăn, cho nên lượng thức ăn hàng ngày chỉ đổ 1 lần hết lượng thức ăn đó, cho ăn sao cho tất cả ngan trong đàn đều được ăn giống nhau. Độ đồng đều càng cao về khối lượng ngan trong đàn thì sau này năng suất sinh sản càng cao. Nếu cho ăn thêm rau xanh thì cho ăn rau xanh sau khi cho ăn thức ăn tinh.

Khối lượng ngan trong giai đoạn hậu bị chuẩn cho từng giống là:

Tuần tuổi

Khối lượng ngan đực (Kg/con)

Khối lượng ngan mái (Kg/con)

12

3,3 - 3,5

1,8 - 2

16

3,6 - 3,8

2 - 2,1

18

3,8 – 3,9

2,1 – 2,2

20

3,9 - 4,1

2,2 - 2,3

22

4,1 – 4,2

2,3 - 2,4

24

4,2 - 4,5

2,4 - 2,5

6.3. Giai đoạn sinh sản:

* Điều kiện khí hậu:

             Tạo điều kiện khí hậu thích hợp cho ngan đẻ. Nhiệt độ thích hợp nhất đối với ngan đẻ là 16 - 24 oC và ẩm độ là 60 - 70%. Chuồng nuôi và ổ đẻ phải luôn khô ráo và sạch sẽ.

* Ánh sáng và chế độ chiếu sáng:

            Trong suốt giai đoạn ngan đẻ cần thời gian chiếu sáng mỗi ngày 16 - 18 giờ. Thời gian chiếu sáng không đảm bảo sẽ làm giảm năng suất trứng. Cường độ  chiếu sáng là 5 w/m2.

* Cung cấp nước:

Nhu cầu nước uống cần cho ngan giai đoạn sinh sản từ 0,6 - 0,7 lít/con/ngày. Ngan nuôi có mước bơi hoặc nuôi trên khô có máng uống đều phải sử dụng nước sạch và đủ nước. Khi để máng uống ở ngoài chuồng nuôi mùa hè phải che máng uống, tránh để ngan uống nước nóng, thường xuyên thay nước uống cho ngan.

* Chăm sóc nuôi dưỡng

- Chuồng phải sạch sẽ và khô ráo độn chuồng phải dày 10 - 15 cm, hàng ngày cho thêm độn chuồng đặc biệt là vị trí ổ đẻ.

- Chuyển từ thức ăn ngan hậu bị sang thức ăn ngan đẻ được tiến hành 2 tuần trước khi ngan đẻ và tăng lượng thức ăn lên 10%, khi ngan đẻ quả trứng đầu tiên tăng lượng thức ăn lên 15%. Khi đàn đẻ 5% tăng dần lượng thức ăn sao cho 7 ngày sau trở đi ngan ăn tự do theo nhu cầu ở ban ngày, phải đổ thức ăn làm nhiều lần trong ngày (2 - 3 lần) để thức ăn không bị tồn đọng ở máng ăn. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng, máng ăn phải để trong chuồng nuôi tránh mưa và sương làm mốc thức ăn, nếu nuôi nhốt trên vườn cây phải để máng ăn ở vị trí cố định và phải có che mưa nắng.

- Hạn chế tác động mạnh về ánh sáng, âm thanh và những tác động bất thường khác đến đàn sinh sản để tránh hiện tượng đẻ non và đẻ trứng hai lòng.

- Ngan nuôi trên khô phải lưu ý vệ sinh sân chơi luôn sạch sẽ để tránh được khi ngan giao phối xong thì gai giao cấu bị chạm xuống nền chuồng và sân chơi bị nhiễm trùng nhiễm bẩm dẫn đến hao hụt con đực nhiều.

* Thu nhặt trứng:

Chất độn ổ đẻ phải được bổ sung thường xuyên vào các vị trí của ổ đẻ, suốt giai đoạn ngan đẻ chỉ cần bổ sung không cần thay độn chuồng, ngan đẻ tập trung vào thời gian 3 - 5 giờ hàng ngày vì vậy trứng được thu nhặt vào buổi sáng từ 6 – 7giờ. Sau khi nhặt trứng nếu trứng bẩn phải rửa bằng thuốc sát trùng hoặc xông sát trùng sau đó trứng để ấp được đưa vào bảo quản. Nếu không có kho lạnh thì bảo quản bằng than hoa.

* Kiểm tra sức khoẻ đàn ngan:

Hàng ngày buổi sáng kiểm tra tình hình đàn ngan nếu có sự thay đổi khác thường báo cho thú y xử lý.

Trong giai đoạn ngan sinh sản cần loại những con ngan quay lông (rụng lông ống ở cánh và đuôi) vì những con đó năng suất trứng rất thấp, khi ở thời điểm thay lông thì không sinh sản. Đồng thời loại những con có màu lông, màu mỏ và màu chân không nhạt đi sau một thời gian đàn đã đẻ vì những con đó đẻ cũng rất kém.

7. Công tác thú y.

7.1. Vệ sinh  chuồng  trại và thiết bị chăn nuôi

- Phải thực hiện nghiêm túc đầy đủ luật lệ về công tác phòng trừ dịch bệnh, trước cửa chuồng nuôi phải có hố khử trùng. Trong chuồng nuôi chỉ nên có 1 loại ngan và nếu có 2 đàn thì chỉ nên cách nhau không quá 7 ngày tuổi.

- Chuồng nuôi phải có chu kỳ luân chuyển hàng năm để có thời gian xử lý và trống chuồng. Ngan nhập về phải nuôi cách ly từ 15 - 20 ngày và giữ đúng các nguyên tắc thu y quy định.

- Chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phải được rửa để khô ráo xung quanh chuồng nuôi phải vệ sinh công nghiệp sau đó tiến hành vệ sinh tiêu độc định kỳ bằng một số thuốc sát trùng.

+ Vôi  bột: rải vôi bột xung quanh và bên trong chuồng nuôi  sau đó  phải  để  2 - 3  ngày rồi quét dọn lại lần nữa (Biện pháp này ít dùng vì dễ làm cho ngan hô hấp  hít phải bụi vôi  bột).      

+ Nước vôi: dùng nước vôi mới tôi quét nền chuồng, sân chơi và xung quanh tường phải để khô mới rải độn chuồng và đưa ngan vào .

 + Dùng Formol (1 - 3 %):  Phun toàn bộ  nền và tường chuồng.

+ Dùng Crezil  (3 - 5  %) để phun

            +  Xông hơi bằng hỗn hợp formol và thuốc  tím liều lượng cứ 17,5 gam thuốc tím + 35 ml Formol cho 1 m3 chuồng nuôi, khi xông hơi đòi hỏi chuồng phải kín mới có tác dụng.

- Độn chuồng: Chất độn chuồng trước khi sử dụng phải được phơi khô, tiêu độc bằng các chất sát  trùng  kể  trên, ủ một ngày, sau đó rải đều cho bay hơi hết mới đưa vào  chuồng.

- Máng ăn, máng uống, lò sưởi, cót  quây  ngan..., phải được rửa sạch sau đó sát  trùng bằng một trong các loại thuốc sát trùng kể trên rồi chuẩn bị sẵn trong chuồng  trước khi nhập ngan về.

7.2.  Vệ sinh thức ăn, nước uống

- Thức ăn: Đảm  bảo đủ về số lượng và chất lượng khẩu phần theo như phần trên đã chỉ  dẫn. Không cho ngan ăn các loại thức ăn ôi, mốc... Không dùng các loại thức ăn có hàm lượng muối cao, trong thức ăn có thể sử dụng chế phẩm vi sinh như EM, dung dịch Anolit, Catolit để giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường do chất thải của ngan.

  - Nước uống: Nước uống cho ngan phải  là nước sạch, không dùng nước đục, nước ao, hồ tù đọng, nước giếng có hàm lượng sắt cao. Có thể dùng thuốc tím 0,5 ‰  (5 gam cho 10 lít nước) để khử trùng nước uống cho ngan hoặc Cloramin  1%  (10 gam cho 10 lít nước). Có thể dùng Anolit; Catolit để sát trùng nước thường xuyên cho ngan uống.

7.3. Vệ  sinh sau  từng  đợt  chăn  nuôi  

-  Chuồng  trại  và  dụng  cụ  chăn  nuôi  được  cọ  rửa  sạch  sẽ  và  khử  trùng  tiêu độc  để  chuẩn  bị  đợt  chăn  nuôi  tiếp,  để  trống  chuồng  7 - 15  ngày.

-Thực hiện tiêm phòng và dùng thuốc phòng bắt buộc theo đúng quy trình phòng bệnh cho từng giống và từng loại ngan. Đẩy mạnh công tác phòng dịch cho các đàn ngan nuôi phân tán trong nông hộ.

- Thực hiện nghiêm ngặt việc phun thuốc khử trùng định kỳ trong chuồng nuôi và khu vực trang trại, gia trại 1 - 2 lần/tuần. Tuân thủ nghiêm túc các vấn đề về an toàn sinh học cho  trang trại và cho người ra vào khu vực chăn nuôi.

- Giám sát theo dõi chặt chẽ mỗi khi ngan ốm đau. Chẩn đoán điều trị ngay mỗi khi ngan bị bệnh. Bao vây, khống chế, tiêu huỷ ngay đàn ngan tại khu vực nếu phát hiện bệnh nguy hiểm.

- Tăng cường công tác kiểm tra kiểm dịch việc vận chuyển và lưu thông ngan, phải xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp lệnh thú y.

7.4. Xứ lý chất thải và gia cầm chết.

- Không sử dụng chất thải và phân của ngan khi chưa được xử lý.Nước thải, nước rửa chuồng trại của chăn nuôi ngan theo hệ thống mương tiêu thoát về đến hố chứa và phải được xử lý trước khi đưa ra môi trường bên ngoài trang trại. Nếu lượng nước thải không được xử lý kịp thời sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và không an toàn cho sản xuất.

- Phân và độn chuồng trong quá trình chăn nuôi được thu gom lại thành đống ở nơi qui định, xử lý theo phương pháp nhiệt sinh vật sau đó mới được sử dụng cho trồng trọt.

7.5. Một số bệnh thường gặp trên ngan

7.5.1 Bệnh cúm gia cầm: Do vi rút cúm gia cầm thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với đặc tính biến chủng liên tục (H5N1, H5N6...)

*Triệu chứng

- Sốt cao, uống nhiều nước. Khó thở, viêm mũi, viêm xoang, chảy nước mắt, nước mũi, ho hen, hắt hơi, vảy mỏ.Mào thâm, tím tái, sưng phù, hoại tử. Tiêu chảy phân xanh, phân trắng, phân vàng.Xuất huyết da chân.Tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ chết cao.

*Bệnh tích

- Viêm đường hô hấp trên, viêm túi khí.

- Xuất huyết trên bề mặt các cơ và các cơ quan nội tạng như gan, tim, tụy, lách và thận.

- Xuất huyết cơ đùi, cơ ngực, cơ tim, vành tim và mỡ bụng.

- Xuất huyết dạ dày tuyến, ruột non, van hồi manh tràng, niêm mạc hậu môn…

*Điều trị

Tiêm vắc xin cúm gia cầm để phòng bệnh cho ngan. Khi xảy ra bệnh thì không có thuốc đặc trị. Tuy nhiêncó thể tiến hành can thiệp đồng thời 2 phương pháp:

 + Tiêm thẳng virut cúm gia cầm và ổ dịch, tiêm dưới da gáy cổ hoặc nách 3 liều vacxin cho 1 con ngan ( 3 liều vacxin pha vào 0,3ml nước cất ).

 + Cho đàn ngan uống ngay thuốc có thành phần chính là Bycomycin, Norfloxacin , Oxymykoin hoặc Flumequine

 + Cùng với đó bổ sung thêm các chất bổ như VTM C, tăng cường giải độc men gan… trợ sức trợ lực cho đàn ngan.

 - Phải tuân thủ lịch tiêm phòng của chi cục thú y các cấp , tránh để dịch lây lan qua các vùng lân cận.

7.5.2. Bệnh dịch tả vịt: do virut dịch tả vịt gây bệnh cho vịt rồi lây sang ngan.

Triệu chứng:

 - Ngan bỏ ăn ít vận động , khi lùa đi ăn thường rớt lại phía sau.Sốt cao 43-43.5 oC trong 2-3 ngày liền.Chảy nước mắt, một số con bị viêm kết mạc có dịch viêm làm mắt bị dính lại.Đầu sưng do phù ở tổ chức liên kết dưới da.

 - Ngan ỉa chảy phân loãng màu trắng xanh, mùi thối khắm, lỗ hậu môn dính nhiều phân.

 - Sợ ánh sáng, một số con có triệu chứng liệt 2 chân nằm một chỗ, cánh xệ xuống.

* Bệnh tích

- Viêm ruột xuất huyết và kéo màng giả ở hầu, thực quản, hậu môn. Mắt, mũi, hậu môn, phù nề dưới vùng da ngực, trong xoang bụng có chứa nhiều dịch thẩm xuất. Lách giảm thể tích; gan sưng to trên bề mặt, xuất hiện các nốt hay vùng hoại tử, xuất huyết, gan thoái hoá trông giống như đá cẩm thạch. Một số trường hợp xuất huyết lấm chấm khắp cơ thể, đặc biệt ở giác mạc, thực quản, ruột, ngoại mạc ruột, nội cơ, cơ và màng tim, cả ở thận và tuyến tuỵ.

Điều trị

 - Không có thuốc đặc trị bệnh dịch tả

 -Khi dịch đã diễn thì cần tiến hàng can thiệp đồng thời 2 phương pháp:

 + Tiêm thẳng virut dich tả vịt và ổ dịch, tiêm dưới da gáy cổ hoặc nách 3 liều vacxin cho 1 con ngan ( 3 liều vacxin pha vào 0, 3ml nước cất ).

 + Cho đàn ngan uống ngay thuốc có thành phần chính là Bycomycin, Norfloxacin , Oxymykoin hoặc Flumequine

 + Cùng với đó bổ sung thêm các chất bổ như VTM C, tăng cường giải độc men gan… trợ sức trợ lực cho đàn ngan.

 - Phải tuân thủ lịch tiêm phòng của chi cục thú y các cấp , tránh để dịch lây lan qua các vùng lân cận.

7.5.3. Bệnh tụ huyết trùng trên ngan:

 * Triệu chứng:

 - Quá cấp: chết rất nhanh ( sau bữa ăn… ) nên không kịp có biểu hiện triệu chứng

 - Cấp tính:

 + Ủ rũ, kém ăn, xiêu vẹo, bại cánh, liệt chân, khò khè.

 + Phân lỏng vàng xám đôi khi lẫn máu , chảy máu mũi  sốt ( 43-44oC ) ,

 + Khát nước, nằm bẹp, giẫy chết sau 2-5 ngày.

 + Tỷ lệ chết đêm bất thường.

 - Á cấp: đau mắt, chảy nước mũi , sưng khớp, viêm não.

*Bệnh tích

- Gan vịt bệnh sư­ng to, đôi khi phủ một lớp màng fibrin mỏng rất dễ bóc ra. D­ưới màng gan, dễ dàng nhìn thấy các điểm hoại tử màu vàng nhạt to bằng hạt ngô. Tim và các cơ quan nội tạng khác bị xuất huyết lấm tấm, ruột non bị sung huyết.

            * Điều trị:

 - Tách ngay những con bị bệnh ra khỏi đàn.

 - Tiêm kháng huyết thanh ( tiêm 1 lần tác dụng 15 ngày ).

 - Kháng sinh: Penicillin + Streptomycin , hoặc Kanamycin + Ampicillin + Colistin , Penicillin + Kanamycin , hoặc Kanamycin + Ampicillin: tiêm những con khỏe trước; không thả xuống nước.

 - Ngoài ra cũng phải tăng cường thuốc trợ sức trợ lực cho đàn ngan.

 7.5.4. Bệnh nấm phổi ở ngan:

 * Triệu chứng:

 - Ngan con thường bị bệnh ở thể quá cấp và cấp tính:

 + Kém ăn, thở khó và nhanh, khi thở ngan vươn cổ dài, mũi chảy nước.

 + Thân nhiệt tăng, con vật ủ rũ, ỉa phân rất hôi thối.

 + Một số con bị rối loạn tiêu hóa do độc tố của nấm tiết ra gây viêm ruột, chảy máu ruột, tiêu chảy, bại liệt.

 - Ngan bị bệnh ở thể mãn tính:

 + Cơ thể suy yếu dần: thở khó, thở nhanh.

 + Ngan biếng ăn, khát nước dữ dội, thân nhiệt tăng, tiêu chảy.

 + Ngan ủ rũ, đứng tụ thành từng đám, nằm chồng lên nhau.

            *Bệnh tích

Bệnh nấm phổi có nhiều hạt nấm tập trung chủ yếu ở phổi, khí quản, túi khí, đôi khi còn thấy ở đường tiêu hóa.

            Điều trị:

 - Cách ly con bệnh với con khỏe, đồng thời bổ sung vitamin A vào thức ăn cho ngan.

 - Dùng các chế phẩm có thành phần chính là: Nystatin, dùng Povidone iodine để sát trùng nước uống cho ngan.

7.5.5. Bệnh viêm gan do virut:

 * Triệu chứng:

 - Bệnh ở thể cấp tính: ngan con thường chết ngay sau1-2 giờ bị nhiễm virút

 + Ngan ủ rũ, kém ăn, không theo kịp các con khác trong đàn.

 + Đầu nghẹo về phía sau và chân đi co giật.

 + Sau thời gian ngắn thì ngan không vận động nữa mà nằm ngửa nhắm mắt 2 chân đạp ngửa về phía sau.

*Bệnh tích

- Xuất huyết tràn lan kèm những đốm nhỏ và các vòng tròn giao nhau ở gan (gan có lấm chấm hình đinh ghim); lách và thận sư­ng, sung huyết và có màu tím tái. Đường tiêu hoá không có thức ăn, ruột non thư­ờng có dịch nhầy và các điểm xuất huyết.

 * Điều trị:

 - Hiện nay chưa có loại thuốc nào điều trị đặc hiệu được bệnh này.

 - Tuy nhiên ngày nay người ta dùng kháng thể viêm gam vịt để điều trị cho những con sớm phát hiện bệnh.

7.5.6. Bệnh phó thương hàn:

            * Triệu chứng:

 - Ngan ốm bị tiêu chảy, phân loãng có bọt khí, lông đít dính muối urat,

 - Đi lại ít, chúng tách khỏi đàn tụ tập thành nhóm tìm chỗ ấm.

 - Ngan khát nước, mệt mỏi, ủ rũ, mắt nửa nhắm nửa mở hoặc nhắm hẳn do viêm màng kết mạc có mủ.

 - Cánh sã xuống, lông mất độ bóng mượt, ngan bỏ ăn.

 - Bệnh có chứng thần kinh ở dạng lên cơn, lúc đó ngan lăn quay ra run rẩy hai chân, đầu ngoẹo. Đặc biệt là ngan bệnh trước khi chết nằm ngửa, chân co giật trên không, cho nên người chăn nuôi gọi là bệnh "co giật" của ngan .

 - Bệnh kéo dài 3- 4 ngày, chết đến trên 70%.

*Bệnh tích

- Tổn th­ương đại thể là hoại tử điểm ở gan; thận bệch màu và chứa muối urat trắng; lách sư­ng to và cũng có những biến đổi tư­ơng tự  như­ ở gan và thận. Manh tràng s­ưng ch­ương lên, trong chứa từng cục như­ bã đậu. Niêm mạc, trực tràng viêm và chư­ơng lên chứa nhiều các dịch trắng

            * Điều trị:

 - Dùng Florfenicol kết hợp với Doxycyclin để điều trị bệnh.

 - Bên cạnh đó cũng cần phải bổ sung thêm thuốc trợ sức trợ lực cho đàn ngan.

7.5.7. Bệnh nhiễm khuẩn E.Coli:

            * Triệu chứng:

 - Thời gian nung bệnh từ 1- 10 ngày. Ở ngan 3 ngày tuổi đã có thể nhiễm bệnh.

 - Ngan bị rút cổ, lông xù, mắt lim dim như buồn ngủ, sổ mũi và khó thở.

 - Có triệu chứng thần kinh như: co giật, quay đầu, ngoẹo cổ… ngan đẻ chết lai rai, giảm đẻ, vỏ trứng dính máu.

 - Tiêu chảy phân loãng có màu trắng xanh rồi chết.

* Bệnh tích

- Gan sưng đỏ và xuất huyết lấm tấm, túi mật thường căng to

- Ruột viêm xuất huyết. Màng bao tim, gan có lớp nhày trắng. Túi khí có những đốm hoại tử màu vàng. Niêm mạc ruột có màu đỏ, phân có màu trắng xanh hoặc vàng nhầy. Vịt đẻ buồng trứng bị vỡ và teo lại.

 * Điều trị:

 - Tách riêng những con bị bệnh.

 - Dùng Amoxycillin kết hợp với Colistin sulfate, hoặc Gentamicin kết hợp với Colistin để cho kết quả tốt nhất.

 - Cùng với đó kết hợp bổ sung thêm thuốc trợ sức trợ lực cho đàn ngan.

7.5.8. Bệnh nhiễm độc tố Aflatoxicosis :

 Triệu chứng:

 - Bệnh không bị lấy lan.Ngan chậm lớn, kém ăn. Có thể xuất hiện triệu chứng thần kinh rồi chết.

 - Mức độ bệnh còn tùy thuộc vào hàm lượng nấm mốc có trong thức ăn.

Bệnh tích

- Gan sư­ng to và xám. Thận bị bệch màu, sư­ng to hơn và có thể có những nốt xuất huyết lấm chấm. Xuất huyết có thể thấy cả ở tuỵ.

            *Điều trị:

 - Không có thuốc điều trị nấm trong bệnh này.

 - Biện pháp tốt nhất là bảo quản tốt các loại thức ăn cho ngan, tránh cho ngan ăn các loại thức ăn đã bị nấm mốc. 

7.5.9. Bệnh rụt mỏ

Triệu chứng

Con vật bỏ ăn sốt cao (Tăng nhiệt (45 – 46ºC), chảy dịch mũi, nước mắt liên tục, thở khó, khẹc mũi, ỉa chảy, phân xanh trăng liên tục; thở khó, khẹc mũi, có mùi tanh, dính bết hậu môn, nằm liệt và chết. Có nhiều con còi cọc, mỏ ngắn, thè lưỡi, chân đứng không vững do bị dị dạng. Mất lông,  quanh lưng và cổ, đỏ da rõ rệt.

* Bệnh tích

Cơ tim , gan, thận viêm sưng và nhạt màu. Xoang bụng chứa nhiều tương dịch, có khi đặc như genlatin. Thoái hóa xương, hoại tử đầu khớp và đi đứng khó khăn. Viêm, xuất huyết niêm mạc ruột, có fibrin, tích nuốc trong xoang ngực.

*Điều trị bệnh

Tiêm kháng thể rụt mỏ ở 1 ngày tuổi để phòng bệnh. Khi bệnh diễn ra có thể điều trị triệu chứng Hạ sốt: Sử dụng paracetamol hạ sốt cho toàn đàn
Xương giòn, dễ gẫy, bại chân: Lưu ý bổ sung khoáng chất, đặc biệt là Ca, P… Trong quá trinhfcan thieepk, trợ sức, trợ lực: Bổ sung các vitamin tổng hợp, khoáng chất, men tiêu hoá (kích thích mọc lông, sinh trưởng…)

 

 

7.6.  Lịch phòng bệnh và tiêm

Ngày tuổi

            Vaccin, thuốc  kháng  sinh  và  cách  dùng

1

Tiêm kháng thể rụt mỏ. Có thể kết hợp cùng vắc xin phòng bệnhHội chứng giảm đẻ(Tembusu)

1 - 3

Phòng  chống  nhiễm  trùng  rốn,  các  bệnh  đường  ruột  và  chống  stress  bằng  các  loại  kháng  sinh Ampi-Coli  Tetracycline, Streptomycin,  Neox,  Neotesol...

Bổ sung vitamin như B1, Bcomlex,ADE hay dầu  cá.

7 - 10

Phòng vắc xin viêm gan siêu vi trùng : uống hoặc nhỏ hoặc tiêm

18 - 25

Tiêm phòng vắc xin dịch tả lần 1 (tiêm dưới da cổ hay cánh). Phòng vắc xin H5N9 lần 1.

Bổ  sung  vitamin  và  kháng  sinh  phòng  bệnh  và  chống stress  sau  tiêm  phòng.

 

28 - 46

-Phòng  bệnh  E Coli,  tụ  huyết  trùng,  phó  thương  hàn bằng các loại kháng sinh, Sulphamide và bổ sung vitamin.

56 - 60

- Tiêm phòng vắc xin dịch tả lần 2. Phòng vắc xin H5N9 lần 2.

- Tiêm phòng vắc xin viêm gan siêu vi trùng lần 2.

70 - 120

Phòng  bệnh  bằng  kháng  sinh ,  bổ  sung  vitamin  theo định  kỳ  1 - 2  tháng/lần liều  trình  3 - 5  ngày.

180 - 190

-  Tiêm vaccin  dịch  tả  lần 3. Phòng vắc xin H5N9 lần 3.

- Tiêm phòng vắc xin viêm gan siêu vi trùng lần 3.

- Tiêm vắc xin phòng giảm đẻ lần 2.

- Bổ sung vitamin và  kháng  sinh  phòng  bệnh trong thời kỳ đẻ trứng

Sau khi đẻ 5 - 6 tháng

-Tiêm  phòng  nhắc  lại  vắc xin  dịch tả lần 4 và vắc xin viêm gan siêu vi trùng lần 4. Phòng vắc xin H5N9 lần 4.

-Phòng  bệnh  bằng  kháng  sinh  định  kỳ  1-2  tháng/ lần.

 

 
TIN TỨC KHÁC
  • Tư vấn khách hàng
    0983.882.813  zalo trại giống thu hà
    0941.771.563  zalo trại giống thu hà
    Icon trại giống thu hà

    Vui lòng đợi ...

    Đặt mua sản phẩm

    Xem nhanh sản phẩm